Chat hỗ trợ
Chat ngay

Cách cúng đầy tháng cho bé đơn giản – đầy đủ nghi lễ nhất

Cúng đầy tháng là một trong những phong tục dân gian từ xa xưa có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi nó là nghi lễ đầu tiên trong cuộc đời của mỗi bé. Trong lễ cúng đầy tháng, bé sẽ được chính thức ra mắt dòng họ tổ tiên và đồng thời cũng gửi lời cảm ơn đến các đức ông, mụ bà đã che chở, giúp cho bé được ra đời khỏe mạnh. Đây cũng là ngày mà mẹ hết thời gian ở cữ và có thể sinh hoạt lại như bình thường. Vậy cần chuẩn bị những gì cho lễ cúng đầy tháng. Cùng Tôi Tự Làm tìm hiểu cách cúng đầy tháng cho bé đơn giản và đầy đủ nhất trong bài viết sau đây:

 

Tại sao phải làm lễ cúng đầy tháng cho bé?

 

Người xưa quan niệm rằng mỗi đứa trẻ được sinh ra là do 12 Bà Mụ nặn ra. Mỗi Mụ Bà sẽ nặn ra một bộ phận cho đứa trẻ như: tay, chân, mắt, mũi, tóc … Lễ cúng đầy tháng nhằm tạ ơn các Bà Mụ và Đức Ông đã mang đứa trẻ đến nhà, phù trợ cho mẹ tròn con vuông và cũng là nghi lễ trình báo với dòng họ, tổ tiên và mọi người rằng 1 thành viên mới đã được ra đời và sẽ gia nhập vào cộng đồng đó, mong mọi người che chở cho bé.

 

 

12 Bà Mụ bao gồm những ai?

 

Ông cha ta thường nói “Trên bà chúa Thiên Thai, dưới 12 Bà Mụ”, 12 Bà Mụ được nhắc đến với tất cả sự tôn kính ở đây bao gồm các bà:

- Mụ bà Trần Tứ Nương: trông coi, săn sóc việc sinh nở (chú sanh)

- Mụ bà Vạn Tứ Nương: trông coi việc thai nghén (chuyển sanh)

- Mụ bà Lâm Cửu Nương: trông coi việc thụ thai (thủ thai)

- Mụ bà Lưu Thất Nương: nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé

- Mụ bà Lâm Nhất Nương: trông coi việc chăm sóc bào thai (an thai)

- Mụ bà Lý Đại Nương: trông coi việc chuyển dạ (chuyển sanh)

- Mụ bà Hứa Đại Nương: trông coi việc khai hoa nở nhụy (hộ sản)

- Mụ bà Cao Tứ Nương: trông coi việc ở cữ (dưỡng sanh)

- Mụ bà Tăng Ngũ Nương: trông coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống)

- Mụ bà Mã Ngũ Nương: trông coi việc ẵm bồng con trẻ (tống tử)

- Mụ bà Trúc Ngũ Nương: trông coi việc giữ trẻ (bảo tử)

- Mụ bà Nguyễn Tam Nương: coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ.

 

 

Cách tính ngày cúng đầy tháng cho bé trai, bé gái

 

Sau khi được sinh ra 1 tháng, các bé sẽ được cha mẹ tổ chức lễ cúng đầy tháng để cảm ơn các bà mụ cũng là để ăn mừng cho bé trở thành thành viên chính thức của gia đình. Từ xưa, ông bà ta đã tính ngày cúng đầy tháng cho bé khác nhau tùy thuộc vào giới tính:

- Bé gái: ngày cúng đầy tháng được tính từ ngày sinh của bé đến 1 tháng sau, nghi lễ sẽ lùi lại 2 ngày.

- Bé trai: ngày cúng đầy tháng được tính từ ngày sinh của bé đến 1 tháng sau, nghi lễ sẽ lùi lại 1 ngày.

 

Nghi lễ cúng đầy tháng thường được tiến hành vào sáng sớm hoặc chiều tối.

 

Cách cúng đầy tháng cho bé

 

Văn hóa Việt Nam rất coi trọng lễ cúng đầy tháng của mỗi đứa trẻ. Bởi trong văn hóa phương Đông thì lễ cúng đầy tháng (hay cúng mụ) là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ.

 

Chuẩn bị mâm cúng đầy tháng

 

Quan niệm dân gian cho rằng đứa trẻ được sinh ra là nhờ 1 Bà Chúa và 12 Bà Mụ. Trong đó, bà Chúa chịu tránh nhiệm chính, còn 12 Bà Mụ sẽ nặn ra hình hài của đứa trẻ. Vì thế, khi chuẩn bị lễ vật để cúng đầy tháng, phải chuẩn bị đầy đủ những thứ sau đây:

 

Lễ vật cúng 12 Bà Mụ

 

- 12 đĩa xôi nhỏ

- 12 chén cháo nhỏ

- 12 chén chè nhỏ

- 12 ly nước

- 2 đĩa bánh hỏi

- 2 kg thịt quay chia làm 12 đĩa

- Các loại bánh dành cho trẻ em, xếp vào 12 đĩa

- Đồ hàng mã (giấy tiền)

 

Lễ vật cúng Đức Ông

 

- Ba đĩa xôi lớn

- Một miếng thịt quay

- Một con gà luộc

- Một tô cháo lớn

- Một tô chè lớn

- Một đĩa hoa quả

- Trầu cau

- Rượu

- Hoa

- Đồ hàng mã (giấy tiền)

 

 

Ngoài ra, chúng ta cũng cần chuẩn bị thêm: 1 bình hoa, rượu, trà, đèn, hương, gạo, nước, muỗng, muỗi và 1 đôi đũa hoa (đũa vót ngược đầu và có bông hoa được cài trên đầu đũa) vì theo quan niệm xưa, bà chúa chỉ thích dùng loại đũa này.

 

Cách sắp bàn cúng đầy tháng

 

Quan niệm xưa cho rằng mâm cúng phải được sắp xếp theo nguyên tắc “Đông bình Tây quả” nghĩa là phía Đông đặt bình hoa, phía Tây xếp lễ vật. Thường thì đồ lễ cũng đầy tháng cho bé sẽ được xếp trên 2 bàn: 1 bàn lớn để cúng 12 Bà Mụ và 1 bàn nhỏ, thấp hơn để cúng Đức Ông.

 

Nghi thức cúng đầy tháng

 

Sau khi mâm cúng được sắp xếp đầy đủ và mọi người đến đầy đủ thì chủ nhà hoặc người xúng sẽ bắt đầu nghi lễ. Giờ cúng thường diễn ra vào sáng sớm hoặc chiều tối.

 

Người cúng sẽ trịnh trọng khấn rằng: “Hôm nay, cháu bé tròn 1 tháng tuổi, gia đình chúng tôi bày mâm lễ vật này, cung thỉnh thập nhị mụ bà và tam đức ông trước về chứng minh nhận lễ, sau tiếp tục phù trợ cho cháu mạnh tay, mạnh chân, mau lớn, hiền, ngoan, phù trợ cho gia đình an vui, hạnh phúc.”

 

Nghi thức đặt tên cho bé

 

Nghi thức đặt tên (hay còn gọi là Xin Keo) là cách để người chủ xin ý kiến bề trên về tên đặt cho con mình. Hầu hết các gia đình, cha mẹ đều muốn tên con phải vừa ý nghĩa vừa dễ gọi như: Tiến, Trung, Đức, Phát, Ngọc, Anh …

 

Chủ lễ sẽ dùng 2 đồng tiền bạc cổ để gieo vào 1 chiếc đĩa sâu lòng. Nếu 1 sấp – 1 ngửa là tổ tiên đã chấp nhận cái tên định đặt. Nếu 2 mặt đều úp hoặc ngửa 3 lần liên tiếp thì gia chủ nên chọn cho con cái tên khác.

 

Sau khi khấn xong thì gia đình, họ hàng sẽ ăn uống sum vầy, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất, lì xì cho bé. 

 

Bài cúng trong lễ đầy tháng

 

Sau khi lễ vật đã được bày ra, chủ lễ sẽ tiến hành nghi lễ, thắp 3 nén hướng và khấn: “Hôm nay, ngày … tháng…, ngày cháu nội/ngoại… họ, tên… tròn 1 tháng tuổi, gia đình chúng tôi bày mâm lễ vật này, cung thỉnh thập nhị mụ bà và tam đức ông trước về chứng minh nhận lễ, sau tiếp tục phù trợ cho cháu … mạnh tay, mạnh chân, mau lớn, hiền, ngoan, phù trợ cho gia đình an vui, hạnh phúc”.

 

Sau nghi thức cúng là nghi thức “khai hoa” (hay bắt miếng). Đứa trẻ sẽ được đặt ở ngay bàn giữa, người làm lễ sẽ rót trà, thắp hương xin phép bắt miếng. Xong xuôi, chủ lễ 1 tay bồng đứa bé, 1 tay cầm 1 nhánh hoa điệp (hoa khác cũng được) quơ qua lại trên miệng đứa bé và dạy những lời tốt đẹp như:

- Mở miệng ra cho có bông, có hoa

- Mở miệng ra cho có bạc, có tiền

- Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ

 

Tiếp theo là những lời chúc mừng, lì xì hoặc tặng quà của quan khách, người thân cho cháu bé.

 

 

Tục làm phép hết thời gian ở cữ

 

Lễ đầy tháng cũng là ngày mẹ hết thời gian ở cữ nên trong ngày này, mẹ cũng cần được làm lễ. Chuẩn bị 1 nồi nước sôi để giữa nhà, cho vào 1 cây đinh đã nung đỏ để khói bay ra. Người mẹ sẽ bế con và bước qua bước lại trên nồi nước sôi. Nếu là con trai, mẹ bước 7 lần, con gái bước 9 lần. Sau đó mẹ sẽ bế con đi xung quanh nhà, qua tất cả các phòng.

 

Sau lễ  làm phép hết thời gian ở cữ, mẹ có thể đi chợ hoặc ra ngoài. Lần đầu đi chơi, mẹ nên mua 1 chút gạo và 1 bịch muối. Trên đường về, hãy giả vờ đánh rơi ít tiền lẻ để mong cho con sao này cơm áo được dư dả.

 

Lễ đầy tháng là nghi lễ tín ngưỡng dân gian mang đậm dấu ấn của tục thờ mẫu. Qua đó, chúng ta thấy được tín ngưỡng văn hoa dân gian không chỉ hướng đến hiện tại, tương lai mà còn luôn hướng về con người nói chung và mang đậm bản sắc của gia đình và xã hội. Lễ đầy tháng cũng thể hiện cho những ước muốn tốt đẹp của cha mẹ, ông bà với các thế hệ kế thừa sau này.

 

Ngày nay, lễ đầy tháng được tổ chức theo cách hiện đại và gần gũi hơn. Các nghi lễ và trang trí đầy tháng cũng được rút ngắn để phù hợp hơn với cuộc sống ngày nay. Duy có một điều vẫn không thay đổi theo thời gian chính là tình yêu mà cha mẹ dành cho con cái.

 

Xem thêm: 6 bước tổ chức tiệc đầy tháng đáng nhớ cho bé yêu

Viết bình luận của bạn