Tư vấn ngay
Chat ngay

Những kiêng kỵ tuyệt đối đừng phạm phải trong ngày cưới

Tục lệ cưới hỏi của người Việt có rất nhiều điều cần kiêng kỵ trong ngày cưới. Người ta vẫn thường nói “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là những việc vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi người vì thế cần phải xem xét hết sức kỹ lưỡng. Cùng Tôi Tự Làm điểm qua một số điều cấm kỵ trong ngày cưới của các cặp đôi:

1. Không được làm đổ vỡ đồ vật trong ngày cưới. Việc vỡ ly, gãy đũa trong ngày cưới được coi là điềm xui và cuộc sống hôn nhân sẽ không được suôn sẻ. Đặc biệt, khi bạn chụp ảnh cưới phải hết sức cẩn thận để các khung tranh kính không bị vỡ nếu không cuộc sống hôn nhân sẽ không êm đềm, dễ chia lìa.

 

2. Theo tục lệ xưa, khi đi sang cầu hay các ngã 3, ngã 4, ngã 5, ngã 7 cô dâu phải vứt kim, tiền lẻ, gạo muối và trầu cau xuống với quan niệm đoạn đường sắp tới sẽ được bình yên, sung túc, phú quý và may mắn. Đồng thời, việc này cũng có tác dụng bài trừ xui xẻo nữa. Ngày nay, người ta không đi bộ để rước dâu nên tục lệ này cũng vì thế mà dần bị phai mờ.

3. Nếu đôi trẻ đã lỡ “ăn cơm trước kẻng” và cô dâu đã có thai thì không được đi vào nhà trai bằng cửa chính mà phải đi lối cửa sau để vào nhà. Và nếu nhà trai không có cửa sau thì cô dâu phải bước qua 1 cái thau đựng nước bồ kết đặt trên than hồng. Việc này nhằm giúp xua đi những điều xui xẻo vì quan niệm xưa cho rằng nếu cô dâu mang bầu đi vào nhà thì nhà trai sẽ làm ăn không phát đạt.

4. Khi đoàn rước dâu trở về đến nhà, mẹ chồng cầm chùm chìa khóa hoặc bình vôi lánh đi nơi khác khi con dâu vào nhà, tránh chạm mặt nhau. Ý nghĩa của việc này là tuy đón con dâu vào nhà nhưng mẹ chồng vẫn là người nắm chùm chìa khóa trong nhà.

5. Mẹ chồng không ra mặt lúc con dâu vào nhà mà sẽ chỉ xuất hiện khi đã làm lễ gia tiên xong. Điều này có ý nghĩa rằng mẹ chồng và nàng dâu sẽ không xung khắc và đòi bỏ về nhà.

 

6. Ở một số nơi có tập tục kiêng kỵ mẹ chồng đi rước dâu. Mẹ chồng sẽ đi với một người nữa trong họ đến để làm lễ rước dâu và không được đi chung với đoàn rước và khi đoàn rước về thì mẹ chồng phải tránh mặt.

7. Lúc đi về nhà chồng khi nhập vào đoàn rước, cô dâu không được ngoái đầu nhìn lại nhà mẹ đẻ. Quan niệm dân gian cho rằng, khi nhìn lại cô dâu sẽ quay về nhà mẹ đẻ, sẽ khóc lóc và quyến luyến. Điều này sẽ khiến cho cô dâu khi đến nhà trai dễ bỏ về nhà mẹ hoặc không toàn tâm toàn ý với công việc nhà chồng.

8. Ở rất nhiều nơi đều có tập tục là cô dâu không được xuất hiện trước khi chú rể vào đón. Quan niệm xưa cho rằng nếu làm như vậy, cô dâu sẽ dễ mất duyên. Vì thế cô dâu cần ở trong buồng và tuyệt đối không cho nhà trai thấy mặt cho đến khi chú rể vào đón. Ở một số nơi, cô dâu sẽ được mẹ đẻ dắt ra.

9. Nếu có đám hỏi trước thì bắt buộc phải mời đám hỏi trước khi mời đám cưới. Tục lệ này chỉ áp dụng với nhà gái với ý nghĩa là ăn hỏi rồi mới cưới mới là đúng phong tục.

 

10.  Tuyệt đối không được tổ chức cưới hỏi khi nhà có tang. Theo tục lệ, nhà có tang là nhà có chuyện buồn, đau thương, mất mát. Vì vậy nếu muốn thành gia lập thất thì cũng phải đợi đến khi hết tang mới được tổ chức.

11. Kiêng đeo nhẫn trước ngày cưới. Người xưa quan niệm rằng nhẫn cưới là nhẫn trơn, cô dâu, chú rể chỉ được đeo trong ngày cưới thì gia đình mới hạnh phúc, nếu đeo trước mọi việc sẽ bị xáo trộn sau này.

12. Tránh không mời những người nhà có tang đến dự lễ cưới. Theo quan niệm xưa bà bầu cũng không nên mời đến đám cưới. Vì những người này sẽ mang vận rủi đến cho gia chủ.

13. Trong phong tục của người Việt thì những người mất vợ, mất chồng, hiếm muộn hay gia đình lục đục không được đi đón dâu. Ông bà ta cho rằng những người nãy nếu đi rước dâu sẽ làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của cô dâu chú rể sau này.

14. Phải coi ngày giờ cưới rõ ràng, tránh cưới vào ngày, tháng xấu. Cô dâu chú rể chuẩn bị cưới nên xem ngày tốt để cuộc sống sau này gặp nhiều may mắn. Người xưa kiêng kỵ cưới vào năm kim lâu (ứng với số tuổi phía sau của cô dâu: 1, 3, 6, 8) để tránh những điều không may mắn.

15. Bàn thờ tổ tiên trong ngày cưới phải được chuẩn bị thật đầy đủ các vật phẩm như: hoa quả, gà, xôi, rượu … Khi làm lễ cô dâu và chú rể sẽ đứng trước bàn thờ gia tiên lạy và tuyên bố sống trọn đời bên nhau.

 

16. Khi chuẩn bị phòng tân hôn bạn cũng cần quan tâm một số điều như sau:

- Không đặt giường ở phía tây của cửa phòng

- Không kê đầu giường dưới xà ngang

- Tránh để đầu giường và 2 bên thành giường đối diện với gương lớn

- Kiêng kỵ những người lạ vào phòng tân hôn, nhất là những người mang thai, hiếm muộn, nhà có tang, đổ vỡ …

- Không để hình ảnh của người khác trong tân phòng

- Không để những đồ vật bị hỏng và các đồ vật cũ trong phòng tân hôn

- Không để dao búa hay vũ khí trong tân phòng

- Không được dùng giường cũ làm giường tân hôn. Giường phải trải chiếu hoa và được 1 người có gia đình yên ấm, con cái thuận hòa trải thì sau này cô dâu chú rể sẽ có cuộc sống sung túc.

- Tuyệt đối không được để người khác ngồi lên giường tân hôn trước

Còn nhiều điều cần kiêng kỵ khác nhưng trên đây là những điều phổ biến nhất. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta đã giản bớt các phong tục cưới hỏi và những điều cấm kỵ cũng được đơn giản hóa hơn. Nhưng dù sao chúng ta vẫn nên kiêng cử những điều tối kỵ trong ngày cưới trên đây để cuộc sống vợ chồng sau này được may mắn và hạnh phúc.

 

Xem thêm: Các mẫu phông đám cưới ngắm mãi không chán

Viết bình luận của bạn