Cách chăm sóc mẹ sau sinh thường để sớm hồi phục
Giai đoạn sau khi sinh bắt đầu từ sau khi sinh con và kết thúc khi cơ thể gần như đã trở lại trạng thái trước khi mang thai. Giai đoạn này thường kéo dài từ 6 đến 8 tuần. Thời kỳ hậu sản sẽ làm mẹ có nhiều thay đổi, cả về tinh thần lẫn thể chất. Việc học cách đối phó với tất cả những thay đổi này là rất cần thiết khi trở thành một người mẹ mới. Đối với những mẹ sinh thường chỉ cần ở lại viện 3-4 ngày là được về nếu như không có biến chứng gì xảy ra. Khi được về nhà, đó thật sự là giai đoạn khá vất vả với mẹ, vì vừa phải chăm sóc bé, vừa chăm sóc bản thân.
+ Uống thuốc đúng liều
Uống thuốc đúng liều, thường là thuốc kháng sinh để phòng nhiễm trùng vết mổ cắt tầng sinh môn, thuốc giảm đau và thuốc bổ. Chăm sóc vết thương đúng cách, để đơn giản mẹ nên nhờ điều dưỡng vừa tắm bé vừa chăm sóc vết thương tức là thay băng giúp mình hằng ngày.
+ Nghỉ ngơi:
Mẹ cần phải chăm sóc bản thân để lấy lại sức. Chăm sóc sau sinh đòi hỏi nhiều thời gian để nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng tốt và cần nhận được sự giúp đỡ của người thân trong vài tuần đầu.
Mẹ nên biết rằng trẻ sơ sinh có đồng hồ thời gian khác với người lớn. Trẻ sơ sinh sẽ tỉnh dậy mỗi 3 giờ đồng hồ và cần được cho ăn, thay tã và an ủi. Mẹ sẽ không thể ngủ đủ 8 tiếng trong vài tháng, mẹ có thể bị kiệt sức. Những gợi ý dưới đây có thể hữu ích cho mẹ trong việc tìm kiếm cách để nghỉ ngơi nhiều hơn:
- Trong vài tuần đầu tiên, mẹ nên chú ý việc cho con bú và chăm sóc bản thân, nên nhờ người thân hỗ trợ các việc khác.
- Tranh thủ ngủ khi em bé ngủ. Có thể chỉ vài phút nghỉ ngơi nhiều lần trong ngày.
- Để ý ghi lại thời gian bé thức, thời gian cho bé bú. Giường của mẹ nên kê gần giường hay nôi của bé để cho bé bú vào ban đêm.
- Bạn bè và gia đình đến thăm đó là điều rất vui, nhưng mẹ không cần tiếp tất cả khách. Mẹ có thể xin phép được nghỉ ngơi hoặc cho con bú.
- Đi ra ngoài vài phút mỗi ngày. Mẹ có thể bắt đầu đi bộ và tập thể dục sau sinh, tùy theo sức khỏe từng người, nếu cần mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
+ Dinh dưỡng
Cơ thể mẹ đã trải qua rất nhiều thay đổi trong thời gian mang thai và sau khi sinh. Mẹ cần thời gian để hồi phục. Ngoài việc nghỉ ngơi, mẹ cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng để mẹ có thể hoạt động và có thể chăm sóc cho bé.
Sau khi sinh 2 giờ, các mẹ ăn uống như bình thường, không nên ăn kiêng. Tốt hơn hết các mẹ nên ăn đa dạng thức ăn để cung cấp dồi dào lượng sữa cho trẻ bú. Các mẹ nên tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, nên ăn đa dạng các thực phẩm chứa chất dinh dưỡng như :
Nhóm tinh bột: thực phẩm được làm từ lúa mì, gạo, yến mạch, bột ngô, lúa mạch, hoặc hạt ngũ cốc.
Chất đạm: Chọn các loại thịt và gia cầm có hàm lượng chất béo thấp. Thay đổi thói quen protein của mẹ, như chọn nhiều cá hơn thịt. Có thể chọn đạm có nguồn gốc từ thực vật như tàu hủ hay các loại đậu khác.
Chất béo: nên dùng dầu mè , dầu oliu,…nên hạn chế mỡ hay chất béo động vật.
Rau xanh và trái cây: mẹ nên chọn rau sạch và trái cây tươi theo mùa.
Các mẹ nên giữ bình nước và thậm chí một ít thức ăn nhẹ như trái cây bên cạnh giường của mẹ hoặc ở ghế lúc cho con bú. Bởi khi cho con bú các mẹ sẽ có cảm giác khát thường xuyên. Mẹ đừng quên sữa và các sản phẩm sữa là những sản phẩm có thể dùng bất kỳ khi nào, không mất thời gian nhiều để chế biến, là những sản phẩm có hàm lượng canxi cao.
Hầu hết các bà mẹ đều muốn giảm cân sau sinh, nhưng việc ăn kiêng và giảm cân nhanh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cho bé nếu như mẹ đang cho con bú sữa mẹ. Có thể mất vài tháng để mẹ có thể giảm cân. Mẹ có thể đạt được mục đích này bằng cách cắt bỏ đồ ăn nhẹ có chất béo cao và tập trung vào chế độ ăn uống với nhiều rau tươi và hoa quả, cân bằng với chất đạm và nhóm tinh bột. Tập thể dục cũng giúp đốt cháy calo, làm giảm mô mỡ thừa, làm săn chắc các cơ.
+ Những dấu hiệu bình thường trong giai đoạn hậu sản sinh thường:
Sản dịch: Là chất dịch tử cung và đường sinh dục chảy ra ngoài trong những ngày đầu tiên của thời kỳ hậu sản. Sản dịch có mùi tanh nồng, độ pH kiềm. Nếu bị nhiễm khuẩn sẽ có mùi hôi, ban đầu có máu, sau đó loãng dần và khoảng ngày thứ 9 thì đa phần không có máu. Hiện tượng này kéo dài 2-3 tuần nữa.
Cơn đau do co thắt tử cung : Ngay cả sau khi chuyển dạ và sinh nở xong, mẹ sẽ bị cơn đau do co thắt tử cung. Những cơn co thắt này là bình thường và xảy ra khi tử cung co lại với kích thước ban đầu. Những cơn co thắt này có thể giảm sau 48 giờ, thường kéo dài khoảng 3 hoặc 4 ngày sau sinh, là dấu hiệu tốt cho thấy tử cung của mẹ sẽ nhỏ hơn. Các cơn đau này có thể nặng hơn nếu mẹ đang cho con bú sữa mẹ.
Cơn rét run : Một số sản phụ ngay sau khi sinh có thể lên cơn rét run, đó là cơn rét run sinh lý. Đặc điểm của cơn rét run sinh lý là mạch, nhiệt độ, huyết áp vẫn bình thường. Cần phân biệt rét run sinh lý với rét run do choáng mất máu. Trong choáng do mất máu, thường có sự thay đổi về mạch, huyết áp, vã mồ hôi, các chi lạnh. Sau khi sinh, sản phụ có thể sụt 3-5 kg do sự bài tiết mồ hôi, nước tiểu, sản dịch…
+ Dấu hiệu nguy hiểm cho các mẹ
Thông thường, sau khi sinh từ 7-10 ngày, mẹ nên đi khám hậu sản để phòng tránh các bệnh hậu sản cũng như biết được thể trạng của mình.
Nên đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế ngay, nếu như mẹ có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào như chảy máu âm đạo tăng lên, ngất xỉu, thở nhanh hoặc khó thở, sốt và quá yếu, nhức đầu trầm trọng với giảm thị lực, đau bụng, vết thương đỏ hoặc sưng tấy, thở dốc hoặc đau ngực.
Thật ra, vấn đề không quá phức tạp, nếu như mẹ và ông xã đều có sự hỗ trợ lẫn nhau, áp dụng kiến thức thông thường thì rồi cũng sẽ vượt qua dễ dàng.